Được tạo bởi Blogger.

Talkshow "Hoạ sắc Việt vào trong nét chữ": Chuyện ngành xuất bản từ góc nhìn người trong cuộc

Vừa qua, talkshow "Họa sắc Việt vào trong nét chữ" nằm trong khuôn khổ sự kiện Dạ Khúc Tháng Tư 2024 - REFLECTION được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Buổi tọa đàm là cơ hội để các bạn trẻ lắng nghe chia sẻ quý báu từ những diễn giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản sách.

Dạ Khúc Tháng Tư là sự kiện được tổ chức thường niên của Liên chi Đoàn khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hướng tới chào mừng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4 và Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4, talkshow "Hoạ sắc Việt vào trong nét chữ" là dấu ấn khó phai, khép lại chuỗi sự kiện đồng hành của chương trình năm nay.

Các diễn giả có thâm niên làm việc nhiều năm trong lĩnh vực xuất bản

Chủ đề chính của talkshow lần này bàn về sự phát triển của truyện tranh nước ngoài và cơ hội cho truyện tranh “Made in Việt Nam”. Sự kiện đem đến những chia sẻ thú vị từ các diễn giả uy tín, góp phần khơi gợi niềm đam mê sáng tác và mở ra hướng đi mới cho thị trường truyện tranh Việt.

Tham dự buổi tọa đàm có TS. Hà Văn Hậu - Phó bí thư Chi bộ - Phó Trưởng khoa Xuất bản. Đặc biệt, talkshow có sự góp mặt của diễn giả Đặng Cao Cường - Trưởng ban Biên tập sách Comic, NXB Kim Đồng, anh là "cha đỡ đầu" của nhiều cuốn truyện tranh nổi tiếng. Chương trình cũng chào đón sự xuất hiện của chị Nguyễn Quỳnh Trang (Trang Neko) - tác giả của 3 cuốn sách được đông đảo các bạn đọc trẻ yêu thích là "Nắng về phía ấy", "199 mấy - Hồi ấy làm gì?" và "Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy".

Chia sẻ quan điểm về điều tạo nên sự khác biệt cho truyện tranh trong nước, tác giả Quỳnh Trang cho rằng: "Sự khác biệt lớn nhất chính là 'chất Việt', bao gồm văn hóa và lịch sử - thứ mà chúng ta không thể gặp ở đâu và chỉ ở Việt Nam mới truyền tải được".

Tác giả Quỳnh Trang tự hào khi nhắc về chất liệu văn hóa và lịch sử của dân tộc trong truyện tranh "199 mấy - Hồi ấy làm gì?"

Nhắc tới vấn đề đọc lậu, vi phạm bản quyền hiện nay, cả hai diễn giả đều không ủng hộ những tác phẩm xuất bản trái với quy định phát luật. Diễn giả Đặng Cao Cường cho rằng phương án hiệu quả nhất để ngăn chặn điều này cần có sự phối hợp giữa NXB và tác giả bởi "không có gì mạnh mẽ hơn tinh thần tập thể" - anh Cường khẳng định.

Có thể nói, làn sóng truyện tranh nước ngoài về Việt Nam đang được rất nhiều bạn trẻ, độc giả đón nhận. Điều này cho thấy độc giả cũng rất quan tâm, có niềm đam mê với sách. Nhưng vấn đề này cũng đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để truyện tranh “Made in Việt Nam” có thể vươn lên và cạnh tranh với những "ông lớn" quốc tế?

Để trả lời cho câu hỏi này, các diễn giả đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng cộng đồng sáng tác, nâng cao kỹ năng chọn tác giả, và đẩy mạnh công tác truyền thông. Bên cạnh những yếu tố trên, nước ta cần có những chính sách hỗ trợ để giới thiệu tác phẩm Việt Nam đến với đông đảo độc giả.

Diễn giả Cao Cường (giữa) đưa ra những yếu tố cần thiết để phát triển truyện tranh nước nhà

Là "một cây đại thụ" với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản, diễn giả Đặng Cao Cường cho rằng: "Các NXB cần nâng cao nội dung, hình thức và tuyên truyền hiệu quả cho mỗi sản phẩm. Đặc biệt, sự ủng hộ của độc giả cũng là yếu tố quan trọng để đưa truyện tranh Việt phát triển hơn nữa".

Chia sẻ kinh nghiệm qua gần chục năm "lăn lộn" với nghề, tác giả Quỳnh Trang nhắn nhủ tới các bạn trẻ đam mê viết lách: "Một thứ được viết từ trái tim có thể chạm đến cảm xúc của người khác. Nếu có ý tưởng, hãy biến nó trở thành hiện thực. Khi bản thân tự đọc thấy tác phẩm đủ tốt, đủ chau chuốt, hãy đưa nó đến độc giả".

Không chỉ được lắng nghe chia sẻ xoay quanh những góc nhìn mới mẻ về hoạt động xuất bản, các bạn sinh viên đam mê nghề sách còn có cơ hội giao lưu trực tiếp với các diễn giả. Bạn Dương Đình Hoàng (lớp Biên tập xuất bản K42) chia sẻ: "Được lắng nghe những trải nghiệm quý báu từ các tiền bối đi trước không chỉ khiến mình cảm thấy hào hứng mà còn mang lại cho mình nhiều bài học kinh nghiệm giá trị. Đặc biệt, mình rất tâm đắc với lời chia sẻ của diễn giả Cao Cường về vấn đề bản quyền sách".

Không chỉ lắng nghe những chia sẻ của diễn giả, các bạn sinh viên còn tích cực đặt câu hỏi để thảo luận và trao đổi

Trong suốt thời gian diễn ra chương trình, cùng với MC Hà Linh, hai diễn giả đã có cuộc đối thoại cởi mở, chia sẻ góc nhìn đa chiều về hoạt động xuất bản cũng như những áp lực người trong ngành đã và đang gặp phải. Đồng thời, các nhân vật gạo cội còn bàn luận về tầm nhìn, chiến lược phát triển cho dòng truyện tranh nước nhà trong tương lai.


Buổi tọa đàm trở thành tâm điểm thu hút đông đảo sinh viên tới tham gia và trao đổi sôi nổi

Talkshow "Hoạ sắc Việt vào trong nét chữ" đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới các bạn trẻ, đồng thời khẳng định tiềm năng to lớn của truyện tranh "Made in Việt Nam". Với sự nỗ lực của các tác giả, sự đầu tư của nhà xuất bản và sự quan tâm của cộng đồng, hy vọng rằng truyện tranh Việt Nam sẽ có thể vươn xa hơn nữa và gặt hái được nhiều thành công trên thị trường quốc tế.

Ngọc Hà
Bài viết đóng góp, xin gửi về: media@goldstar.com.vn

TIN MỚI NHẤT