Được tạo bởi Blogger.
Booking Bài PR, Banner, TikTok, YouTube, Fanpage: ▶ TẶNG NGAY 1 BANNER SIDEBAR

Dấu ấn gen Z trên hành trình kiến tạo văn hóa đa sắc

Trước những biến đổi không ngừng của nhịp sống hiện đại, bản sắc văn hóa Việt Nam đang được thế hệ trẻ bảo tồn và giữ gìn. Dưới lăng kính của một thế hệ luôn luôn sáng tạo, đổi mới, văn hóa được tồn tại ở nhiều diện mạo độc đáo nhưng đi sâu vào đời sống của người dân.

Chạm đến di sản bằng trải nghiệm mới lạ


Trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ, việc kết nối công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, với kho tàng văn hóa và giá trị truyền thống là một thách thức không nhỏ. Thấu hiểu trăn trở này, các bạn sinh viên tâm huyết từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cho ra đời Kinh Đô Kỳ Họa – một dự án độc đáo nhằm quảng bá các di sản kiến trúc tiêu biểu tại Hoàng thành Thăng Long thông qua mô hình lắp ráp.

Thay vì chỉ thụ động "nghe kể về di tích", Kinh Đô Kỳ Họa cho phép người trẻ tự tay kiến tạo nên những công trình đã trường tồn qua hàng thế kỷ. Mỗi mảnh ghép không chỉ là một chi tiết kiến trúc, mà còn là một lát cắt lịch sử được "định hình" bằng chính trải nghiệm cá nhân. Bạn Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng dự án Kinh Đô Kỳ Họa, chia sẻ: “Khi người trẻ được chạm - lắp – hoàn thiện, thì mối liên kết giữa họ với di sản sẽ không chỉ dừng lại ở mặt lý trí mà còn chạm được đến cảm xúc và trí nhớ lâu dài. Bên cạnh đó, lắp ráp cũng là một hình thức tiếp cận rất 'trẻ' – vừa vui chơi, vừa sáng tạo, phù hợp với thói quen tiếp nhận nội dung của thế hệ Gen Z”.

Mô hình lắp ráp các di sản kiến trúc tiêu biểu tại Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Kinh Đô Kỳ Hoạ - 京都奇畫)

Sự kết hợp giữa yếu tố bất ngờ (blind box), tính sưu tầm, và tương tác 3D đã biến một câu chuyện lịch sử thành một trò chơi có chiều sâu văn hóa, vừa hấp dẫn, vừa mang giá trị giáo dục mềm. Đây chính là chìa khóa để di sản kiến trúc thoát khỏi những khuôn mẫu cũ kỹ và trở nên sống động, gần gũi hơn với Gen Z.

Với mục tiêu tái hiện những di sản kiến trúc đã tồn tại hàng nghìn năm, Kinh Đô Kỳ Họa tuân thủ nguyên tắc cốt lõi: nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thiết kế. Giai đoạn nghiên cứu bắt đầu bằng việc thu thập tư liệu gốc từ nhiều nguồn uy tín như ảnh hiện trường, bản vẽ kiến trúc, tài liệu khảo cổ học và đặc biệt là tài liệu từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Từng chi tiết nhỏ như tỷ lệ cổng vòm, số bậc tam cấp, hình khối tháp cờ hay hoa văn trang trí đều được đối chiếu, phân tích tỉ mỉ để xác định những điểm nhận diện quan trọng nhất của mỗi công trình. Song song đó, các thành viên Kinh Đô Kỳ Họa còn trực tiếp trao đổi với các quản lý tại Trung tâm để kiểm chứng thông tin và làm rõ những chi tiết chưa có tư liệu chính thức, đảm bảo không diễn giải sai lệch lịch sử.

Khi nền tảng nghiên cứu đã vững chắc, dự án bước vào giai đoạn sáng tạo. Mỗi mô hình được cách điệu vừa phải để vừa dễ lắp ráp, vừa mang lại cảm giác thú vị khi trải nghiệm – từ cách đóng hộp, chọn bảng màu, thiết kế thẻ thông tin cho đến trải nghiệm mở hộp đầy bất ngờ.

Đặc biệt, nắm bắt được xu thế công nghệ số, dự án còn phát triển website tích hợp công nghệ 3D. "Dự án chúng mình không dùng sáng tạo để 'thêm thắt' lịch sử, mà để làm nổi bật cái đẹp sẵn có của di sản, bằng một ngôn ngữ hiện đại, dễ cảm, dễ nhớ hơn với người trẻ. Với trang web tích hợp công nghệ 3D, người dùng có thể xoay mô hình, nghe thuyết minh, nhìn rõ từng chi tiết," đại diện dự án chia sẻ. Điều này mở ra một không gian tương tác đa chiều, giúp di sản kiến trúc không chỉ được nhìn thấy mà còn được cảm nhận và ghi nhớ một cách sống động nhất.

Website tích hợp công nghệ 3D (Ảnh: Minh Đức)

Bên cạnh đó, dự án cũng đã tổ chức các chương trình Giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long, nơi các bạn nhỏ được kết nối mô hình mang hình dáng của các công trình lịch sử với bối cảnh văn hóa cụ thể. “Tụi mình tin rằng, khi một đứa trẻ có thể tự tay dựng nên một biểu tượng văn hóa, thì ngoài kỹ năng, điều các em nhận được còn là niềm tự hào, sự kết nối với quá khứ và cảm hứng để tiếp tục khám phá. Và đó chính là nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng những công dân trẻ có tình yêu với lịch sử và luôn mong muốn được bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống ấy theo cách riêng của mình” - bạn Lan Anh cho hay.

Không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa và tiếp cận các di sản kiến trúc, người trẻ còn đặc biệt quan tâm đến những di sản văn hóa dân tộc, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ. Dự án “Khai Vân Tứ Phủ” của các bạn sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã giúp người trẻ nhìn nhận đúng đắn và đầy đủ về nét tín ngưỡng Tứ Phủ thông qua các sản phẩm truyền thông đại chúng như: âm nhạc, phim ảnh và thời trang. Đến với không gian tín ngưỡng đặc biệt này, khuôn viên trong một hội trường nhỏ nhưng dự án đã đem đến cho người tham dự 2 sự kiện: Workshop “Tứ phủ: Truyền thông văn hóa qua các sản phẩm đại chúng” và Triển lãm “Khai Vân Tứ Phủ”.

Triển lãm “Khai Vân Tứ Phủ” (Ảnh: Khai Vân Tứ Phủ)

Sự xuất hiện của hai diễn giả là anh Nguyễn Quốc Hoàng Anh (giám đốc nghệ thuật và Nhà sản xuất) và chị Linh Thảo (nhà thiết kế trang phục truyền thống) trong workshop “Tứ phủ - Truyền thông văn hóa qua các sản phẩm đại chúng” đã giúp những người tham dự có thêm kiến thức và trải nghiệm qua các hình thức khác nhau về tín ngưỡng Tứ Phủ và cách Tứ Phủ được truyền tải thông qua các sản phẩm văn hóa đại chúng như phim ảnh và trang phục. Thông qua dự án, ban tổ chức nói chung và hai diễn giả nói riêng đều muốn gửi gắm đến mọi người thông điệp chính: Tứ Phủ không chỉ đơn thuần là một nghi thức tín ngưỡng mà còn là một không gian văn hóa đặc sắc. Việc bảo tồn Tứ Phủ không chỉ dừng lại ở nghi thức, mà quan trọng hơn cả là bảo tồn chính không gian văn hóa đặc sắc này.

Điểm đặc biệt của triển lãm “Khai Vân Tứ Phủ” là sự xuất hiện của những bộ trang phục truyền thống vô cùng tinh xảo và đậm dấu ấn tín ngưỡng thờ Mẫu. Những chiếc áo được đính kết vô cùng tỉ mỉ bằng hạt cườm, kim sa hay lông vũ trên nền vải với các màu sắc đặc trưng, kết hợp cùng từng đường kim mũi chỉ được nghệ nhân thực hiện một cách hoàn hảo. Không dừng lại ở đó, người tham dự còn được chiêm ngưỡng những bức tranh giá trị đến từ Tranh Kim Hoàng - tinh hoa dân gian trong nền văn hóa Bắc Bộ. Bằng sự dẫn dắt tài tình của đội ngũ Khai Vân Tứ Phủ, người tham gia sự kiện đã có cơ hội trải nghiệm đa giác quan: nghe, nhìn và cảm nhận những di sản văn hóa của Việt Nam một cách dễ hiểu và trực quan nhất. Dự án đã tạo được cầu nối đặc biệt giữa người trẻ và văn hóa truyền thống của Việt Nam, giúp chúng ta có được nhận thức đúng đắn về những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của tín ngưỡng Tứ Phủ.

Những bộ trang phục mang tín ngưỡng thờ Mẫu (Ảnh: Khai Vân Tứ Phủ)

Khép lại dự án, bạn Hữu Minh (trưởng Ban tổ chức dự án “Khai Vân Tứ Phủ”) chia sẻ: “Qua dự án, chúng mình nhận thấy có nhiều bạn trước đây cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu và việc thực hành tín ngưỡng là một điều mê tín nhưng sau khi tham gia workshop và triển lãm, các bạn đã hiểu hơn về tín ngưỡng và thay đổi góc nhìn tích cực”. Với cách tiếp cận độc đáo và mới lạ, Khai Vân Tứ Phủ đã để lại nhiều dấu ấn cho người tham dự, lan tỏa giá trị đúng đắn về tín ngưỡng thờ mẫu Tứ Phủ đồng thời thành công trong việc tiếp cận và thay đổi góc nhìn của người trẻ về di sản văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Các diễn giả và khách mời cùng trưởng ban tổ chức dự án “Khai Vân Tứ Phủ” (Ảnh: Khai Vân Tứ Phủ)

Gen Z kết nối giá trị xưa trong nhịp sống mới


Không chỉ có di sản kiến trúc, những ca khúc cách mạng cũng là một phần máu thịt của văn hóa truyền thống Việt Nam. Giờ đây, những giai điệu hào hùng từng tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc trong khói lửa chiến tranh được ngân vang giữa thời bình theo một cách vừa quen vừa lạ, nhờ vào Red Music Society (cộng đồng yêu nhạc đỏ). Được thành lập vào ngày 26/12/2019, dự án âm nhạc này quy tụ đông đảo các bạn học sinh, sinh viên từ khắp các trường THPT và đại học trên cả nước, tất cả đều mang trong mình tình yêu nồng nàn với dòng nhạc Đỏ của dân tộc.

Thông qua các buổi biểu diễn và những bài viết truyền thông sâu sắc, Red Music Society không chỉ mang đến những câu chuyện lịch sử đầy thú vị, mà còn thổi một tinh thần mới vào nhạc đỏ bằng cách kết hợp với các nhạc cụ nước ngoài. Điều này giúp giới trẻ tiếp cận gần hơn với giá trị lịch sử mà nhạc Đỏ mang lại, đồng thời tạo ra một cơ hội giao lưu, học hỏi lành mạnh. Bạn Nguyễn Tuấn Huy, đồng sáng lập Red Music Society, chia sẻ về hướng đi đầy sáng tạo của dự án: “Dự án được làm theo hướng kết hợp nhạc với múa kịch, có thể là tọa đàm nữa, talkshow, mình nghĩ là cái hình thức đấy có thể giúp cho các bạn trẻ có thể thấy hứng thú hơn với dòng nhạc này”.

Chương trình “Mùa xuân bên cửa sổ” do dự án Red Music Society tổ chức (Ảnh: Minh Đức)

Cho đến thời điểm hiện tại, trong suốt hành trình phát triển, Nguyễn Tuấn Huy và các thành viên Red Music Society đã không ngừng nỗ lực để trình diễn những ca khúc ít người biết đến qua các liveshow, minishow và hoạt động cộng đồng. Tuấn Huy cho biết: “Trong tương lai, dự án của mình sẽ cố gắng để có thể khôi phục được nhiều những bản thu chỉ nằm trên giấy không còn được lưu trữ, vang lên nữa để mình có thể hồi sinh phẩm ấy”. Đây là một sứ mệnh đầy ý nghĩa nhằm làm sống lại những giai điệu bất hủ, những di sản âm nhạc quý giá của dân tộc đồng thời kết nối sâu sắc hơn nữa văn hóa truyền thống đến với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nếu như âm nhạc luôn được coi là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người Việt thì cà phê lại là “thức uống vật chất” đại diện cho một thế hệ năng động. Là những người con Việt Nam từ nước ngoài trở về, đội ngũ sắn.cafe luôn ấp ủ khát khao lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống Việt. Và họ đã chọn tranh Đông Hồ làm chất liệu nghệ thuật chủ đạo, thổi hồn vào không gian quán cà phê độc đáo này.

Sắn.cafe gây ấn tượng mạnh mẽ với thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên với bức tranh dân gian Đông Hồ khổng lồ, nổi bật với hình ảnh chú hổ oai vệ ôm ly cà phê, tạo nên điểm nhấn vừa truyền thống vừa hiện đại. Không chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm "Đám cưới chuột" – một trong những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng – còn được quán tái hiện sinh động bằng công nghệ AI.

Anh Phan Minh Long, chủ quán, chia sẻ: “Hiện nay sắn.cafe đang sử dụng hệ thống AI, ứng dụng các công nghệ của AI để tăng thêm trải nghiệm cho khách hàng, tăng độ nhận diện và đem thông điệp văn hóa đến gần hơn với tệp khách trẻ của quán”. Đây chính là minh chứng cho việc sắn.cafe không chỉ là nơi thưởng thức cà phê mà còn là một không gian trải nghiệm văn hóa đa giác quan. Sắn.cafe còn là nơi thường xuyên diễn ra các buổi triển lãm tương tác và workshop văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa như triển lãm “Thấp thoáng vàng son” khám phá vẻ đẹp của Việt phục hay workshop “Ký ức Đông Hồ” kết nối với tranh dân gian.

Sắn.cafe được trang trí bằng những bức tranh Đông Hồ (Ảnh: Minh Đức)

Đội ngũ sắn.cafe không ngừng nỗ lực phát triển và lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam, hướng tới xây dựng một nền văn hóa chung đa dạng và phong phú. Anh Phan Minh Long khẳng định tầm nhìn dài hạn của quán: sắn.cafe sẽ không chỉ dừng lại ở tranh Đông Hồ hay Việt phục, mà sẽ mở rộng sang các dự án khác liên quan đến tò he, chuồn chuồn tre hay làm nón…

Là một doanh nghiệp trẻ đầy hoài bão, sắn.cafe mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa không chỉ đến người dân trong nước mà còn vươn xa tới đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. “Trong thời đại số sẽ có những cách lan tỏa khác nhau, và hiện nay các bạn trẻ cũng rất tài năng. Vì vậy trên hành trình lan tỏa văn hóa, mình hi vọng các bạn ấy cũng sẽ tạo nên nhiều giá trị hơn thay vì đơn thuần là tạo ra điều đặc biệt để kinh doanh kiếm tiền”, anh Long cho biết. Đó là lời nhắn nhủ đầy tâm huyết, khẳng định sứ mệnh của sắn.cafe: không chỉ kinh doanh mà còn kiến tạo và lan tỏa giá trị văn hóa bền vững trong kỷ nguyên số.

Người trẻ và trách nhiệm trong việc giữ gìn, lan tỏa văn hóa trong kỷ nguyên mới


Tiếp nối và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ dừng lại ở sở thích, đam mê của mỗi người mà còn là trách nhiệm trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chia sẻ với phóng viên, TS. Bùi Thị Như Ngọc (Chuyên gia văn hóa, Giảng viên chính Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định: “Người trẻ là những chủ nhân của đất nước trong tương lai gần và các bạn ấy cũng vừa là chủ thể và là khách thể của văn hóa. Nên việc người trẻ ngày này quan tâm và chủ động tham gia vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là biểu hiện rất đáng mừng cho thấy các bạn trẻ không hề thờ ơ hay bàng quan với văn hóa dân tộc, với đất nước, với truyền thống và lịch sử”.

Trong thời đại mới, việc tiếp cận và học tập những văn hóa nước ngoài luôn được khuyến khích để có thể bắt kịp với đời sống hiện đại và nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho sự phát triển đất nước, do vậy cần vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa phải giữ gìn văn hóa dân tộc. Theo TS. Bùi Thị Như Ngọc, cô khẳng định: “Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, bản thân giới trẻ nhận thức được vai trò cũng như là tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, của việc khẳng định và phát huy giá trị cái tôi bản sắc dân tộc trong sự phát triển đa dạng và cạnh tranh không ngừng giữa các quốc gia và từ đó góp phần làm cho văn hóa và đất nước của mình luôn luôn được tồn tại và phát triển”.

Với mỗi người trẻ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, trước tiên chúng ta luôn phải nhận thức đúng đắn về những giá trị văn hóa truyền thống bởi chính bản sắc dân tộc đặc trưng sẽ là dấu ấn, thương hiệu của đất nước, của con người Việt Nam. TS. Bùi Thị Như Ngọc cũng gửi gắm đến những bạn trẻ: “Với tư cách là người trẻ, là công dân của đất nước thì các bạn trẻ cũng cần có nền tảng tri thức và nhận thức đúng đắn gắn với lòng yêu nước và tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc để lấy đó làm gốc dẫn đến hành động đúng đắn, phù hợp và hiệu quả”.

TS. Bùi Thị Như Ngọc, chuyên gia văn hóa, giảng viên ngành Văn hóa phát triển - khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Văn hóa luôn là yếu tố quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm, thúc đẩy và xây dựng nhiều chính sách nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi, đồng thời luôn khuyến khích việc hội nhập quốc tế để bản sắc dân tộc sẽ đậm đà và ghi dấu cả trong và ngoài nước.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 16/6/2025 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh truyền thông thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030”. Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ là một nghị quyết quan trọng, mà còn là bệ phóng mạnh mẽ cho hàng loạt sáng kiến văn hóa của người dân trên khắp cả nước. Nghị quyết này ra đời hoàn toàn đúng thời điểm, khi thực tiễn cho thấy những người trẻ Việt đã và đang tiên phong ứng dụng những cách thức tiếp cận mới, công nghệ hay chuyển đổi số trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Bích Hiền - Minh Tâm - Minh Đức
Bạn đang xem
BESTFACE 2025 tặng bạn 20 bài đăng miễn phí (còn 19 bài) cùng chuyên mục trên Giaitrivanhoa.vn khi đăng ký đề cử Gương Mặt Xuất Sắc Của Năm 2025! Liên hệ ngay để nhận ưu đãi miễn phí.
Tham khảo thêm
Giải Thưởng “BESTFACE AWARDS 2025” Chính Thức Khởi Động
Liên hệ tin bài, bảo trợ truyền thông: media@goldstar.com.vn

Công Nghệ

Du Lịch