Booking Tin bài PR, Banner, TikTok, YouTube, Fanpage: ▶ TẶNG NGAY 1 BANNER SIDE1
Được tạo bởi Blogger.

Đoan Trường gợi ý 8 địa điểm chụp ảnh áo dài Tết đẹp nhất ở Sài Gòn

Trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới, giới trẻ đua nhau chụp ảnh áo dài khắp trong nam ngoài bắc khiến không khí Tết như đang đến gần làm ai ai cũng cảm thấy thật nôn nao, náo nức. Trên các trang mạng xã hội hiện tại nổi bật nhất phải kể đến trào lưu chụp ảnh áo dài với phong cách ấn tượng, cá tính và màu sắc rực rỡ.


Cho dù Tết năm nào áo dài cũng trở thành trang phục được mọi người ưa chuộng, nhưng mùa Tết năm nay bỗng trở nên "hot" và rần rần hơn bao giờ hết. Năm qua, Đoan Trường cũng hãnh diện và tự hào khi được mọi người biết đến và yêu mến trao tặng danh xưng "Chàng trai mang áo dài Việt Nam đi khắp thế giới". Anh muốn giới thiệu đến bạn bè Việt Nam và du khách quốc tế các danh thắng tại TP.HCM, nơi anh sinh ra và trưởng thành, thông qua hình ảnh tà áo dài Việt Nam trong những ngày Tết đến, xuân về.

Phố ông đố và khu vườn mai vàng rực rỡ hút khách nhất thành phố


Khu vườn với khoảng 100 cây mai giả cao gần 3 mét nằm trong sân nvh Thanh Niên, quận 1, thu hút hàng ngàn người diện áo dài đến đây chụp hình mỗi ngày từ sáng sớm đến tối mịt. Tại đây khách du xuân có thể thuê áo dài với giá từ 50 ngàn đến 80 ngàn đồng tùy kiểu dáng, hoa văn, chất liệu. Bên cạnh đó, các gian hàng cũng bán hay cho thuê thêm các nhành mai, cành đào để làm đạo cụ chụp ảnh.

Đoan Trường cho biết thêm: "Tôi luôn là một trong những người đầu tiên có mặt ngày khai mạc vì mỗi năm nơi này lại trang trí một kiểu khác nhau, dù điểm nhấn vẫn là những rừng mai vàng nhưng các tiểu cảnh chung quanh tái hiện lại hình ảnh Tết xưa với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi. Vật liệu được sử dụng là các sản phẩm của làng nghề truyền thống như nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại cùng các trò chơi dân gian như gấp giấy nghệ thuật, nặn tò he".


Bên cạnh vườn mai là Phố ông đồ nằm trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch.Phố ông đồ có khoảng 50 nghệ sỹ thư pháp hoạt động và nổi tiếng đến nỗi mọi người quen gọi chung cả 2 khu vực trên là "Phố ông đồ". Phố ông đồ - không thể thiếu trong thói quen đón Tết Sài Gòn. Trong áo dài truyền thống, người dân tìm đến để xin chữ may mắn, chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm. Vẻ đẹp không chỉ ở những bức tranh thư pháp trên giấy, mà còn có các thầy đồ viết chữ trên gỗ, đá và vải. Điều này tạo nên những tác phẩm thư pháp độc đáo. Xin chữ đầu năm đã trở thành một phần không thể thiếu của tết truyền thống, tạo nên sự độc đáo và sôi động tại đây.


Cách đó vài bước chân là công trường Công xã Paris với bùng binh chung quanh nhà thờ Đức Bà, đường sách Nguyễn Văn Bình và mặt tiền tòa nhà Diamond Plaza luôn níu chân các nam thanh nữ tú xúng xính áo dài "sống ảo" từ sáng sớm đến tận hoàng hôn vì nơi đây đang tái hiện một góc Sài Gòn xưa như chiếc xe lam thập niên 60, đèn lồng đỏ treo cao, mái nhà lợp ngói cổ xưa, những bó nhang nhiều màu sắc lung linh trong nắng ấm, vườn mai, đào cùng khoe sắc bên cây cầu gỗ bắc qua hồ sen đỏ thắm.


Đường sách Nguyễn Văn Bình: Tết và tri thức


Đường sách Nguyễn Văn Bình là một địa điểm độc đáo để chụp ảnh tết tại Sài Gòn. Trải dài qua con đường này là hàng loạt các gian hàng sách, cùng với nền sách phong cách, tạo nên bầu không khí tri thức và sự thảnh thơi. Nơi đây chứa đựng những kho tàng văn hóa và tri thức Việt Nam, tạo ra cơ hội tuyệt vời để bạn kết hợp giữa niềm đam mê với sách và niềm háo hức của mùa tết.


Những "Anh Hai, cô Ba" Sài Gòn khoe ảnh áo dài xưa trước chợ Bến Thành


Chỉ mất 10 phút từ Phố ông đồ đến địa điểm tiếp theo rất "siêu hot" và đang là trào lưu chỉ vừa xuất hiện trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 chính là chợ Bến Thành. Ngay khi đến đây lúc 10 giờ sáng dù không phải là ngày cuối tuần nhưng khu vực trước cổng chợ, mặt giáp đường Lê Lợi ở quận 1, đang có cả trăm người đến chụp ảnh, đa số là giới trẻ. Nhiều thợ ảnh chuyên nghiệp hoạt động hết công suất, liên tục bấm máy, hướng dẫn cách tạo dáng. Còn các "người mẫu" thì trên tay cầm cành đào, nhành mai, quạt xưa, vấn khăn lụa, đeo kính đen. Số khác sẵn sàng chi tiền thuê xe xích lô để làm bối cảnh sinh động hơn.

Góc ảnh "ăn tiền" nhất ở khu vực này là phải đứng đối diện với cổng chợ mới thấy được tháp đồng hồ phía trên và các hàng mai vàng rực nằm phía trước. Mức giá thuê thợ chụp ảnh chuyên nghiệp từ 2 đến 3 triệu đồng/bộ. Đa số các bạn trẻ thích sử dụng điện thoại hay máy ảnh cá nhân vừa để tiết kiệm chi phí, vừa tùy chỉnh hình trên điện thoại theo ý thích. Dịch vụ cho thuê áo dài với giá 100 ngàn đồng/lần đã bao gồm các phụ kiện đi kèm. Còn phí thuê xe xích lô đồng giá 50 ngàn đồng/30 phút /1 người. Đoan Trường lưu ý là xu hướng áo dài chụp tại đây phải xưa thật là xưa, áo phải suông thật là suông, không họa tiết, còn áo dài nam kiểu cổ điển có hình đồng tiền bạc.


Chợ hoa "nhà giàu" Hồ Thị Kỷ


Toạ lạc ở quận 10, chợ hoa Hồ Thị Kỷ nổi tiếng là thiên đường của muôn loài hoa, được ví như "Đà Lạt trong lòng thành phố". Vào thời điểm này, chợ hoa tấp nập, rực rỡ những sắc áo dài của mọi người đi chụp ảnh. Để bộ ảnh thêm lung linh và sinh động hơn bạn phải mua trực tiếp vài bó hoa hay vật trang trí Tết tại các cửa hàng để làm đạo cụ và được phép chụp ảnh nhưng cấm chạm vào hoa. Tuy nhiên, đây cũng được mệnh danh là chợ hoa nhà giàu với các dòng hoa chưng Tết phân khúc cao cấp như lan hồ điệp có giá 2 triệu đồng/20 bông, hoa tuyết mai 200 ngàn đồng/cành, đào Nhật Tân 300 ngàn đồng/cành. Bên cạnh đó, Tết năm nay còn xuất hiện loại đào đông nhập khẩu giá 500 ngàn đồng/cành.

Mua sắm tại chợ hoa diễn ra xuyên đêm đến sáng, nhưng để ghi lại những bức ảnh đẹp nhất, thời gian lý tưởng là từ 19g đến 22g tối, khi các cửa hàng đã lên đèn rực rỡ, sáng lung linh cả con phố. Đoan Trường lưu ý phải chụp ảnh thật nhanh, tạo dáng thật gọn vì không gian nhỏ, con phố hẹp với nhiều cửa hàng hoa nằm san sát nhau dưới lòng đường. Khi đến đây, bạn sẽ bị mê hoặc bởi sự đa dạng của các loại hoa đang nở rộ, từ hoa đào, hoa quất cho đến những cây cỏ và cây cảnh độc đáo. Không chỉ đẹp về mặt thị giác, chợ hoa Hồ Thị Kỷ còn mang lại cảm giác thư thái và hương thơm dịu dàng của những lẵng hoa và quả tết.


Lung linh sắc màu đỏ rực ngập tràn trên con phố sầm uất nhất thành phố


Với người dân thành phố, nhắc đến đồ trang trí Tết phần lớn đều nghĩ ngay đến con phố Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5. Các mặt hàng rực rỡ đẹp mắt, hình thức, mẫu mã đa dạng được bày bán tại đây như lồng đèn, tranh treo tường, câu đối, hoa nhựa, bao lì xì, vòng nguyệt quế, mô hình bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, mâm ngũ quả, dây pháo, mẹt tre, con rồng, thần tài… có giá thấp hơn so với năm ngoái. Không chỉ bán lẻ cho người dân, con phố còn biết đến là nơi phân phối sỉ cho các tiểu thương ở các quận trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh thành phía Nam. Sự nhộn nhịp của con phố này bắt đầu từ sáng sớm tới tận giữa đêm.

Không chỉ mua hàng, nhiều người còn đến tham quan, chụp ảnh áo dài vào buổi tối là chủ yếu, tạo cho nơi đây bầu không khí thêm phần náo nhiệt. Các chủ tiệm cũng không tỏ ra khó chịu việc mọi người tới quay phim, chụp ảnh mà ngược lại rất cởi mở, tươi cười mời chào vào cửa hàng, trông xe hộ và vẫn giữ thái độ vui vẻ dù khách không mua được món hàng vừa ý. Theo họ, đó cũng là một cách để quảng bá thêm về khu phố này. Nhiều cửa hàng còn tạo điều kiện cho các bạn trẻ mượn vị trí đẹp và đạo cụ chụp ảnh miễn phí.


"Phố ông đồ - Phố Xuân" tại Cung Văn hóa Lao động TP. HCM


"Phố Xuân" gồm 30 gian hàng như viết chữ thư pháp, tranh thư phá, bán các sản phẩm, đặc sản ngày Tết. Bên cạnh đó, Cung Văn hóa Lao động còn bố trí tiểu cảnh, cây mai, cây đào để khách chụp ảnh. "Ông đồ" ở phố này đa phần là các nhà thư pháp trẻ, nhiều bạn là sinh viên kiến trúc, mỹ thuật, đến từ các trường đại học, mặc áo dài đen, đội khăn đóng, chân mang guốc mộc, ngồi trên chõng thi triển bút pháp. Mọi người được thưởng thức nhiều tác phẩm thư pháp được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như giấy, gỗ, đá, vải với nội dung chúc tụng mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc.

Không chỉ viết thư pháp, nơi đây còn có sự tham gia của các họa sĩ, vẽ các bức ký họa chân dung trên giấy hoặc trên áo phông. Mỗi chân dung chỉ thực hiện trong vòng từ 10 đến 15 phút nhưng thật sống động. Mọi người đến đây để giao lưu, học hỏi và điều quan trọng là phục dựng, phát huy nét đẹp truyền thống từng bị mai một trong một thời gian dài. Với du khách và người dân, họ tới đây không chỉ để "mua" chữ mà còn để tìm lại gốc gác, nguồn cội và tìm hiểu thêm về văn hóa dân tộc.

Nhiều du khách nước ngoài thì trầm trồ, thích thú với giấy đỏ, mực tàu, ai cũng thỏa sức chiêm ngưỡng và tìm hiểu thư pháp Việt giữa tiết xuân ấm áp của đất trời phương Nam. Những đứa trẻ được bố mẹ dẫn đi tham quan Phố ông đồ đều tò mò trước phong thái viết thư pháp của các "anh đồ", "cô đồ" mặc khăn đóng, áo xếp mà tuổi thì chỉ bằng anh chị chúng.


Áo dài Tết trong nhà và trước ngõ


Đoan Trường chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây luôn có truyền thống cả nhà đều mặc áo dài vào dịp Tết như lúc cúng Giao thừa, thắp nén hương đầu tiên đón năm mới lên bàn thờ gia tiên và mừng tuổi cha mẹ vào sáng mùng 1. Năm nay là năm thứ 2 tôi phải đón một cái Tết 'mồ côi' nhưng tôi vẫn thích mặc áo dài trang trí nhà thật lung linh và ấm cúng cho dù có sợ Tết, trốn Tết nhưng cuối cùng tôi vẫn phải đón Tết. Mặc một chiếc áo dài và chụp ảnh trong chính ngôi nhà thân yêu của mình mới chính là một bức hình tuyệt vời nhất mà không có một phông nền nào có thể hoàn hảo hơn.


Ngoài ra còn có những nơi chụp hình khác cũng được người người nhà nhà yêu thích tuy không phổ biến bằng như Lăng Ông Bà Chiểu, Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng áo dài, Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đặc biệt, mùa Tết năm nay, trào lưu chụp ảnh áo dài bỗng được mọi người hưởng ứng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vừa toát lên sự mạnh mẽ, cá tính vừa có sự mới mẻ, độc đáo, lại vừa mang nét xưa cũ, hoài niệm. Trào lưu này đang được chia sẻ rộng rãi khắp các nền tảng mạng xã hội, mà trong đó có tôi, đang góp phần đưa hình ảnh tà áo dài Việt Nam tung bay trên thế giới cùng với những đoạn clip khoe áo dài trong không khí tưng bừng đón xuân, góp phần quảng bá du lịch TP. HCM nói riêng và đất nước chúng ta nói chung để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn".


Trang phục: Áo dài Trần Được
Photo: Thanh Tú

Ivan Nguyen

Liên hệ tin bài, họp báo, bảo trợ truyền thông: media@goldstar.com.vn
Đăng ký đề cử BESTFACE AWARDS 2024: Dangky.Bestface.vn

BESTFACE AWARDS 2024 tôn vinh những gương mặt hoạt động nổi bật và đóng góp tích cực cho cộng đồng. Nếu bạn đã từng được xuất hiện trên trang Giaitrivanhoa.vn, hãy nhanh tay đăng ký với BTC để BTC tổng hợp thông tin và chia sẻ nhiều hơn với người hâm mộ về bạn.

Thời gian nhận đề cử và bình chọn: Từ ngày 01.06.2024. Đêm Gala Vinh danh dự kiến tháng 12/2024 tại TP.HCM.

SỰ KIỆN ĐANG DIỄN RA