Booking Bài PR, Banner, TikTok, YouTube, Fanpage:
▶ TẶNG NGAY 1 BANNER SIDEBAR
Được tạo bởi Blogger.

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ Lạng Sơn: Điểm Hẹn Văn Hóa Đặc Sắc Vươn Tầm Quốc Tế

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ năm 2025 diễn ra với nhiều điểm mới bao gồm những hoạt động nổi bật như: Lễ rước kiệu, Hội thi “Hương sắc ẩm thực”, Chợ phiên,.... thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Giữa tiết xuân rộn ràng và không gian linh thiêng nơi vùng biên ải, lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ hiện lên như một bức tranh sống động, đầy sắc màu truyền thống và tâm linh, thu hút hàng ngàn bước chân du khách tìm về. Diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân mà còn là biểu tượng rực rỡ của tinh thần "trọng tình trọng nghĩa" - một nét đẹp sâu đậm trong tâm hồn người dân xứ Lạng nói riêng và người Việt nói chung.

Hình ảnh người dân từ các dân tộc địa phương tham gia lễ hội

Tâm điểm của lễ hội là nghi thức rước Quan Lớn Tuần Tranh - một nghi lễ trang trọng và linh thiêng, được tổ chức từ Đền Kỳ Cùng lên Đền Tả Phủ vào ngày 22 tháng Giêng, và đến ngày 27, rước ngài trở về yên vị. Dòng người trẩy hội nối dài, hòa mình trong tiếng trống hội, chiêng vang và sắc màu cờ xí rực rỡ, đi qua các tuyến phố trung tâm như Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Du - Khai Vệ - Bắc Sơn - Minh Khai - Trần Đăng Ninh, tạo nên một không gian lễ hội đầy náo nhiệt, rộn ràng như chính nhịp đập trái tim của mảnh đất biên cương đang nô nức vào hội.

Đền Tả Phủ - nơi thờ Quan Tả Đô Đốc Hán Quận Công Thân Công Tài, vị công thần có công khai khẩn, lập phố chợ Kỳ Lừa và thúc đẩy giao thương Việt - Trung, cùng với đền Kỳ Cùng - nơi thờ thần Giao Long xưa kia, nay thờ Quan Lớn Tuần Tranh - người từng trấn giữ vùng đất này, là hai địa danh linh thiêng, ghi dấu bao trầm tích lịch sử. Nghi thức rước kiệu không chỉ tái hiện truyền thống văn hóa lâu đời, mà còn khắc họa tinh thần "uống nước nhớ nguồn", thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người có công với đất nước.

Năm nay, lễ hội đã có nhiều điểm mới nhằm tăng sức hút cho sự kiện. Ông Nguyễn Đức Vũ, chủ tịch UBND phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn, Trưởng ban tổ chức chia sẻ: “Điểm mới của lễ hội năm nay là màn diễn tích tại lễ khai mạc lễ hội truyền thống của đền Kỳ Cùng Xuân Ất Tỵ nói về quá trình hình thành cũng như sự phát triển, thay đổi của ngôi đền Kỳ Cùng từ việc thờ thần Giao Long và nay thờ Quan Lớn Tuần Tranh được cô đọng lại trong màn diễn tích này”. Nhờ màn diễn tích này, du khách tham gia có dịp tìm hiểu rõ hơn về lịch sử ngôi đền, lịch sử lễ hội và ý nghĩa sâu sắc của lễ hội này.

Ngoài ra, quy mô lễ rước kiệu năm nay cũng được mở rộng, tạo nên khung cảnh linh thiêng và trang trọng. Bà Trần Kim Liên, Chánh tế đền Kỳ Cùng nhấn mạnh: “Lễ hội này mang ý nghĩa nhằm cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, thế giới hòa bình, cơm no áo ấm, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu”.

Hình ảnh chuẩn bị cho nghi lễ rước kiệu tại lễ hội

Ngoài nghi thức truyền thống, ban tổ chức còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như hội thi "Hương sắc ẩm thực", thi lợn quay, quay vịt, giã bánh dày và trưng bày gian hàng, không gian phiên chợ truyền thống với vô số đặc sản địa phương. Những sự kiện này đã xâu thành chuỗi sự kiện góp phần làm phong phú không khí lễ hội, đồng thời giới thiệu nét đẹp văn hóa ẩm thực của Lạng Sơn tới đông đảo du khách. Là một trong những du khách may mắn có mặt tại lễ hội, ông Phạm Anh Thư - người gốc Hà Nội, chia sẻ với niềm phấn khởi: “Lễ hội rất là vui! Tôi cảm giác mình thật sự may mắn khi được đến lễ hội này. Hai bên đường như là Tết, người ta dựng lán, lều lên rất đẹp!”.

Lễ hội còn hấp dẫn bởi khung cảnh chợ phiên trong đời sống thường nhật. Du khách dễ dàng bắt gặp những gian hàng tấp nập người mua, người bán hàng loạt đặc sản địa phương. “Đồ ăn nhiều vô cùng!” - ông Phạm Anh Thư chia sẻ. Mọi người vừa đi lễ, vừa thưởng thức ẩm thực, vừa trò chuyện rôm rả, tạo nên một bầu không khí vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, thân tình.

Các hoạt động diễn ra trong lễ hội

Không đơn thuần là một sự kiện văn hóa, lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ còn là dịp để người dân địa phương gìn giữ truyền thống, và để du khách cảm nhận trọn vẹn hơi thở của một vùng đất giàu bản sắc. Không chỉ thu hút đông đảo người dân trong nước, lễ hội còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế, những người muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, con người Việt Nam với sự hiếu khách và nồng hậu đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

"Con người, năng lượng ở đây thật tuyệt vời! Ai tôi gặp cũng rất thân thiện, thậm chí có người lạ còn mời tôi về nhà để cùng ăn cỗ, và dường như mỗi giờ trong ngày đều là một bữa tiệc. Đây có lẽ là lễ hội lớn nhất mà tôi từng tham gia trong đời. Tôi rất muốn quay lại để khám phá thêm những điều thú vị khác ngoài lễ hội này" - Ông Tom, du khách đến từ Bang California, Mỹ chia sẻ.

Lễ hội Tả Phủ không chỉ là một sự kiện văn hóa quan trọng mà còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác và giao lưu quốc tế, đặc biệt giữa các quốc gia có chung nền văn hóa và lịch sử. Việc du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Trung Quốc tham gia lễ hội cũng là xuất phát từ công lao của Quan Tả Đô Đốc Hán Quận Công Thân Công Tài khi ông mở rộng bang giao với nước bạn Trung Quốc, và lưỡng quốc khánh nhân - cả 2 nước đều tôn thờ nên có việc là mời nước bạn sang dự lễ hội. Người dân coi đây là vị thần tài dịp đầu xuân năm mới mang đến may mắn, hạnh phúc, bình an cho tất cả mọi người.

Ban tổ chức cũng đã có kế hoạch và phương án chào đón các bạn bè quốc tế trọng thị để thể hiện sự quan tâm và tôn trọng với nước bạn láng giềng. Việc thu hút đông đảo du khách nước ngoài, trong đó có nhiều người đến từ Trung Quốc, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của lễ hội, trở thành cầu nối giúp nhân dân hai nước hiểu nhau hơn. Thông qua các hoạt động tín ngưỡng, nghi lễ rước kiệu hay những phiên chợ giao thương bên lề, du khách không chỉ được trải nghiệm nét đẹp văn hóa Việt Nam mà còn cảm nhận rõ hơn sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong khu vực.

Cô Lý - du khách đến từ Tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc

“Những lễ hội như thế này không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn là cầu nối để nhân dân hai nước hiểu nhau hơn. Nhiều người Trung Quốc ở khu vực biên giới cũng biết đến sự kiện này và rất quan tâm. Chúng tôi đến đây không chỉ để du lịch mà còn để cảm nhận sự gắn kết giữa hai nền văn hóa” - Cô Lý, du khách đến từ Tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc chia sẻ.

Sự hiện diện của đông đảo du khách quốc tế không chỉ góp phần quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới mà còn thúc đẩy hợp tác du lịch, kinh tế và giao lưu nhân dân giữa các quốc gia, đặc biệt là những nước láng giềng có mối quan hệ hữu nghị lâu đời. Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ vì thế không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của quan hệ quốc tế.

Hoàng Hà - Vy Thế Hùng - Hà Phương
Tham khảo thêm

Liên hệ tin bài họp báo, bảo trợ truyền thông: media@goldstar.com.vn
Follow GIẢI TRÍ VĂN HÓA ™ tại đây: Facebook ™ - TikTok ™ - YouTube ™

Công Nghệ

Du Lịch